Green marketing là gì? 5 yếu tố không thể thiếu trong green marketing
Khanh
Th 2 29/04/2024
11 phút đọc
Nội dung bài viết
Hoạt động bảo vệ môi trường đang dần trở thành xu hướng toàn cầu hiện nay, kéo theo đó là sự xuất hiện của các “phong trào xanh”. Những phong trào này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động “tiêu dùng xanh” trên thị trường hàng hóa. Đây cũng là động lực tạo ra green marketing – một hoạt động marketing gắn liền với các yếu tố bảo vệ môi trường, rất khác biệt so với kiểu marketing truyền thống. Hãy cùng tìm hiểu xem phương pháp marketing này có điều gì đặc biệt nhé!
1. Green marketing là gì?
Green marketing là gì? Đây là một khái niệm được nhiều người quan tâm hiện nay.
1.1 Khái niệm green marketing
Green Marketing (tiếp thị xanh) là hoạt động marketing dựa trên các yếu tố và nhận thức về môi trường. Marketing xanh đôi khi cũng có thể hiểu là environmental marketing dùng để chỉ những hoạt động sản xuất và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ được cho là an toàn và thân thiện với môi trường.
Điều này có thể biểu hiện ở hoạt động quảng cáo, thiết kế sản phẩm hay quy trình sản xuất và đóng gói sản phẩm…. Chẳng hạn như sản xuất sản phẩm từ vật liệu tái chế; tránh sử dụng hóa chất, vật liệu độc hại; hạn chế sử dụng bao bì, đặc biệt là bao bì nilon khó phân hủy hoặc thiết kế sản phẩm theo hướng có thể tái sử dụng và tái chế.
Ngoài ra, một số nhà sản xuất đang hướng đến quy trình sản xuất có thể tái sử dụng năng lượng tự nhiên; giảm lượng khí thải công nghiệp CO2, SO2, NO2….; tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo.
Khái niệm green marketing
1.2 Bản chất của green marketing
Về bản chất, các nhà sản xuất, các công ty sử dụng marketing xanh như một công cụ để thu được hiệu quả cao hơn. Phương pháp marketing này khác các phương pháp marketing khác ở chỗ, họ chủ yếu vận dụng, truyền bá và thúc đẩy các giá trị về môi trường và nhận thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Thông qua cách này, khách hàng có thể liên kết các giá trị này với thương hiệu và công ty của họ. Điều này cũng thúc đẩy và dẫn đến việc tạo ra các dòng sản phẩm mới và mục tiêu mới, phục vụ cho một thị trường mới.
1.3 Lợi ích mà green marketing mang lại
Kết quả của một chiến dịch green marketing thành công là thu hút được tiền đầu tư và sự chú chú ý của những người tìm kiếm các khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội. Đây là một chiến lược đầu tư với mục đích sở hữu cổ phần của các công ty, nhà sản xuất có cam kết trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.
Thông thường, hoạt động marketing xanh sẽ tạo ra một số chi phí phát sinh và người tiêu dùng sẽ phải chi trả các khoản chi phí tăng thêm đó. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc này, song nguyên nhân chủ yếu là do các công ty sản xuất thường sử dụng vật liệu đắt tiền, chẳng hạn như vật liệu tái chế nhằm mục đích giảm lượng chất thải ra môi trường. Một lý do khác còn là do sự cạnh tranh giữa các sản phẩm này với các loại sản phẩm không thân thiện với môi trường.
Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu những người tiêu dùng có sẵn sàng trả thêm tiền cho phía công ty thực hiện marketing xanh hay không. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu của Nielsen về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp năm 2014, dựa vào việc khảo sát sở thích đối với các sản phẩm và dịch vụ xanh của 30.000 người đến từ nhiều quốc gia đã cho thấy kết quả rằng đa số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm tiền cho green marketing.
Cuộc khảo sát chỉ ra rằng gần 55% người tiêu dùng đồng ý trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ của các công ty cam kết có trách nhiệm xã hội và tác động tích cực đến môi trường và 52% người tham gia cuộc khảo sát đã từng ít nhất một lần mua hàng từ một công ty có cam kết trách nhiệm xã hội và môi trường trong 6 tháng gần đó.
Ngoài ra, hơn một nửa số người được khảo sát đã trả lời rằng họ thường kiểm tra bao bì của sản phẩm để chắc chắn rằng nó không gây hại đến môi trường hoặc có thể tái chế được. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ ưu tiên cho marketing xanh của người tiêu dùng ở khu vực châu Mỹ Latinh (63%), châu Phi (63%) và châu Á – Thái Bình Dương (64%) cao hơn so với khu vực châu Âu (40%) và Bắc Mỹ (42%).
2. Những yếu tố cốt lõi trong green marketing
Dưới đây là một số yếu tố cốt lõi trong green marketing mà bạn cần lưu ý.
Thiết kế xanh
Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm có thiết kế thân thiện với môi trường hơn. Vì thế, bên cạnh việc quảng bá sản phẩm, thiết kế xanh là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một hoạt động green marketing.
Nhãn sinh thái (ecolabel) hay nhãn xanh là dấu hiệu giúp cho người tiêu dùng có thể nhận biết được các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhãn sinh thái có thể do nhà sản xuất hoặc công ty sáng tạo ra và đặt cho sản phẩm của họ như một cam kết về việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc dán nhãn này thông thường sẽ được các công ty giao cho một bên thứ ba độc lập khác thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan và trung thực, đồng thời nâng cao giá trị niềm tin của người tiêu dùng. Bên thứ ba có thể là một cơ quan của Chính phủ hoặc một tổ chức phi Chính phủ, một công ty độc lập khác.
Về quy trình đóng gói, nhà sản xuất ưu tiên sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy hoặc có thể tái chế sản xuất hoặc tái sử dụng nhiều lần. Quan trọng nhất vẫn là tránh sử dụng các chất liệu độc hại, khó phân hủy và dễ gây ô nhiễm môi trường. Bao bì của sản phẩm thường được sản xuất nhỏ gọn, tiện lợi, mục đích là để tiết kiệm chi phí đóng gói và vận chuyển sản phẩm.
Thiết kế xanh
Định vị thương hiệu xanh
Việc tạo ra sự nhận biết và cảm nhận ban đầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh là vô cùng cần thiết. Doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều biện pháp xúc tiến thương mại phù hợp để tạo dựng một ấn tượng tốt cho khách hàng
Các thông điệp truyền tải đến khách hàng cần phải bám sát định vị thương hiệu để đảm bảo được sự nhất quán cũng như nâng cao hiệu quả của truyền thông. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm, dịch vụ xanh của doanh nghiệp với các sản phẩm khác.
Hơn nữa, thông điệp sản phẩm xanh phải rõ ràng và phải thể hiện được những ưu điểm của sản phẩm để khách hàng có thể nhận biết được những lợi ích, tính năng bảo vệ sức khỏe người dùng và môi trường của sản phẩm.
Một thông điệp rõ ràng và mang định vị thương hiệu sẽ tạo ra sự khác biệt và ưu điểm vượt trội cho sản phẩm xanh của doanh nghiệp so với các sản phẩm thông thường khác trên thị trường. Tuy nhiên, việc marketing cần tránh cường đại hóa hay thổi phồng chất lượng của sản phẩm xanh một cách quá đà.
Đối với việc phân phối sản phẩm, thông thường các sản phẩm xanh phù hợp với những kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị hay các đại lý lớn có uy tín…. Các doanh nghiệp có thể hợp tác
Định vị thương hiệu xanh
Chiến lược giá thân thiện
Bên cạnh chất lượng của sản phẩm xanh, một mức giá tiết kiệm cũng là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút khách hàng. Doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược giá cả thân thiện cho mỗi sản phẩm xanh của mình và nên nhấn mạnh vào tính tiết kiệm của sản phẩm xanh so với các sản phẩm khác.
Có một lưu ý đối với các doanh nghiệp là khi áp dụng chiến lược green marketing không nên áp dụng nguyên tắc định giá cho sản phẩm dựa trên nhận thức của người tiêu dùng về giá thành sản phẩm mà phải dựa vào giá trị của sản phẩm. Theo nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể định giá sản phẩm bằng hai cách:
- Cách thứ nhất, đối với những sản phẩm xanh có đặc tính vượt trội hơn hẳn và có chất lượng ưu việt hơn so với các sản phẩm khác, doanh nghiệp có thể định giá cho chúng cao hơn các sản phẩm thông thường. Miễn là chất lượng sản phẩm xanh thực sự vượt trội thì khách hàng sẽ sẵn lòng chi tiền cho chúng.
- Cách thứ hai là vẫn định giá sản phẩm xanh bằng các sản phẩm khác vì người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên những sản phẩm có tính thân thiện môi trường thay vì mãi trung thành với các sản phẩm thông thường mà họ từng sử dụng.
Hoạt động Logistics xanh
Logistics có thể được hiểu là các dịch vụ hậu cần bao gồm nhiều hoạt động như đóng gói bao bì; vận chuyển hàng hóa; lưu trữ hàng hóa; xử lý thủ tục hải quan….. với mục đích là vận chuyển hàng hóa từ công ty sản xuất đến khách hàng một cách tối ưu nhất.
Green logistics hay logistics xanh là một khái niệm mô tả những chiến lược, hoạt động và cách tiếp cận chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường của hoạt động logistic. Trong đó, hoạt động logistics này chủ yếu tập trung vào xử lý vật liệu, quản lý chất thải, đóng gói và vận chuyển kết hợp với việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng để giảm thiểu các loại ô nhiễm môi trường.
Logistics xanh được coi như một mục tiêu vừa tạo ra các giá trị bền vững cho công ty và doanh nghiệp, vừa cân bằng hiệu quả kinh tế với hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động này cũng yêu cầu sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, cộng đồng với các doanh nghiệp.
Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường
Một sản phẩm xanh đúng nghĩa phải tuân thủ theo nguyên tắc “Reduce – Reuse – Recycle” (nguyên tắc 3R) hay còn được hiểu là “ giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”. Theo nguyên tắc này thì các nhà sản xuất phải thiết kế sản phẩm sao cho trong quá trình sản xuất có thể giảm thiểu tối đa nguyên liệu đầu vào, nhất là các nguyên liệu kém thân thiện với môi trường hoặc sử dụng những vật liệu tái chế, không gây hại đến môi trường. Sản phẩm còn phải đảm bảo nguyên tắc “Reuse”, có nghĩa là nó thể tái sử dụng nhiều lần.
Bên cạnh đó, sản phẩm đó phải có khả năng tái chế sau khi sử dụng, nghĩa là nó có thể chuyển thành một loại nguyên vật liệu mới dùng để tạo ra sản phẩm khác. Ngoài nguyên tắc trên, tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm phải tuyệt đối không gây hại đến sức khỏe con người cũng như không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trên đây là những thông tin cơ bản và tổng quan nhất về hoạt động marketing xanh. Hy vọng bạn có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết và hữu ích về mô hình marketing đặc biệt này!