6 KHÔNG, 4 NÊN AI CŨNG PHẢI BIẾT SAU MỖI BỮA ĂN
vubao.bui@gmail.com
Th 7 04/04/2020
5 phút đọc
Nội dung bài viết
NHỮNG VIỆC NÊN LÀM SAU BỮA ĂN
1. Súc miệng
Súc miệng sau khi ăn không chỉ giúp loại bỏ các mảng bám thức ăn mà còn duy trì độ ẩm cần thiết cho khoang miệng. Việc làm đơn giản này cũng có tác dụng kích thích vị giác, tăng cảm giác thèm ăn, đồng thời phòng chống các bệnh về răng miệng.
2. Xoa bụng
Phần bụng xung quanh rốn là nơi tập trung các bộ phận tuyến ruột của môn vị dạ dày. Bởi vậy, việc massage thường xuyên bộ phận này sẽ tăng cường nhu động ruột, gia tăng việc tiết dịch vị, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa – bài tiết. Chưa dừng lại ở đó, xoa bụng sau khi ăn còn đóng vai trò như một loại kích thích lành tính, đi qua thần kinh dẫn vào đại não, có lợi cho việc điều tiết chức năng nội tiết.
3. Nghe nhạc
Nghiên cứu khoa học đã chứng minh những bản nhạc du dương, êm tai rất có lợi cho việc điều tiết tâm lý. Một nghiên cứu với nhóm người bị đau dạ dày của Phần Lan cho thấy các bệnh nhân nghe nhạc của Johann Sebastian Bach sau bữa ăn mỗi ngày có kết quả điều trị tốt hơn so với nhóm đối tượng chỉ uống thuốc. Do đó, việc thưởng thức một bản nhạc nhẹ sau bữa ăn là thú vui lành mạnh đối với sức khỏe.
Đối với người lớn tuổi, việc nghe nhạc sau bữa ăn càng có lợi cho quá trình dưỡng sinh. Các chuyên gia y tế cũng khuyến nghị chúng ta nên chọn những bản nhạc êm tai, vui tươi, không nên nghe những loại nhạc quá ồn, quá mạnh hoặc mang sắc thái đau thương để tránh ảnh hưởng đến tâm tình và chức năng tiêu hóa.
4. Đi bộ
Với nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, đa số chúng ta đang thay thế việc đi bộ bằng thời gian ngồi trong văn phòng, quán cà phê… Thực trạng lười vận động khiến cơ thể dễ bị béo phì, lượng axit dạ dày cũng tăng lên, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khôn lường với sức khỏe.
Để khắc phục tình trạng này, bạn chỉ cần đi bộ khoảng 20 phút sau bữa ăn để thúc đẩy nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đi bộ sau bữa ăn tuyệt đối không nên đi nhanh, động tác cũng không cần quá mạnh, quá gấp. Sau khi đi, ta càng không được lập tức ngồi xuống hoặc nằm nghỉ ngay để tránh gây tổn hại cơ thể.
NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM SAU BỮA ĂN
1. Ăn hoa quả
Sau mỗi bữa, dạ dày của chúng ta cần 1-2 tiếng để tiêu hóa hết toàn bộ thức ăn. Bởi vậy, việc thưởng thức hoa quả vào cuối bữa sẽ khiến lượng hoa quả tiến vào cơ thể bị chặn lại bởi số thức ăn chưa tiêu hóa trước đó. Điều này khiến các chất dinh dưỡng từ hoa quả không được cơ thể hấp thu tối đa, đồng thời làm quá trình tiêu hóa bị chậm lại, gây nên tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm thích hợp nhất để thưởng thức hoa quả là trước bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc 2-3 giờ sau bữa ăn.
2. Hút thuốc
Sau khi ăn cơm, dạ dày và ruột tập trung cho quá trình tiêu hóa nên co bóp mạnh, khiến máu tuần hoàn nhanh hơn. Nếu hút thuốc vào lúc này, cơ thể sẽ hấp thu toàn bộ chất độc hại trong khói thuốc. Do tuần hoàn máu nhanh, lượng chất độc này càng dễ dàng tiến vào cơ thể, làm gia tăng mức độ tổn hại đối với sức khỏe.
3. Uống trà
Nhiều người có thói quen uống trà sau bữa ăn vì cho rằng nước trà có tác dụng làm sạch miệng, khử mùi hôi và hỗ trợ tiêu hóa. Trên thực tế, trong lá trà xanh có chứa acxit tannic. Việc uống trà sau ăn khiến dạ dạ dày chưa tiêu hóa hết protein đã phải tiếp nhận loại axit này.
Axit tannic trong trà gặp protein sẽ tạo thành chất kết tủa rất khó tiêu hóa, gây ảnh hưởng tới việc hấp thu đạm của cơ thể. Chưa dừng lại ở đó, trà xanh cũng cản trở việc hấp thu sắt, lâu dài sẽ khiến cơ thể lâm vào tình trạng thiếu sắt.
4. Ăn đồ ngọt
Ăn đồ ngọt sau bữa cơm sẽ làm cơ thể dễ hấp thụ chất béo, dẫn đến căn bệnh béo phì. Không chỉ vậy, những món ngọt khiến cho lượng insulin trong cơ thể suy giảm, khiến nguy cơ mắc tiểu đường tăng cao.
5. Uống nước ngọt
Trong nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga có chứa nhiều CO2. Chất này gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, gây trương bụng.
6. Uống nhiều nước
Việc uống quá nhiều nước sẽ khiến dạ dày căng ra, làm cho cơ quan này dễ lâm vào tình trạng quá tải, gây cản trở quá trình tiêu hóa – hấp thu. Việc thường xuyên duy trì thói quen uống nhiều nước sau khi ăn sẽ khiến dạ dày thường xuyên bị gia tăng áp lực, lâu dài có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.
Theo Trí Thức Trẻ
Ảnh minh họa: wikihow