7 vấn đề gây đau đầu nhất mỗi khi dùng đồ da và cách bảo quản kịp thời
vubao.bui@gmail.com
Th 7 04/04/2020
5 phút đọc
Nội dung bài viết
Bất kỳ ai sở hữu một món đồ da, dù là túi xách, giày hay áo khoác đều phải thừa nhận rằng da thuộc là một chất liệu khá đỏng đảnh và dễ hỏng nếu người dùng chưa biết cách chăm sóc. Thay vì ngồi đọc một list các điều nên và không nên khi bảo quản đồ da, các chuyên gia sẽ chỉ ra 7 vấn đề gây đau đầu nhất khi sử dụng và đưa ra cách giải quyết tốt nhất giúp bạn bảo quản đồ da một cách hiệu quả nhất.
1. Đồ da có nếp nhăn
- Ủi nhiệt độ thấp với một miếng vải lót ở giữa.
- Treo đồ da trong phòng tắm khi đang tắm.
Khi vận chuyển, nếu không gấp đồ đúng cách, đồ da sẽ rất dễ xuất hiện nếp nhăn. May mắn là bạn có thể sử dụng chính bàn ủi để làm phẳng chúng với lưu ý là để mức nhiệt thấp và lót một chiếc khăn giấy hoặc mảnh vải lụa sạch giữa đồ da và bàn ủi để tránh nhiệt độ quá cao gây cháy, phồng da.
Một cách khác ít rắc rối hơn là bạn có thể sử dụng chính hơi nước nóng khi bạn tắm. Sau khi đồ da đã mang hơi nước, hãy vỗ nhẹ lên áo và đặt áo trên mặt phẳng, lót trên và dưới món đồ là mảnh vải cotton trơn sau đó đặt một vật nặng như cuốn sách lên trên để làm phẳng các nếp nhăn.
2. Đồ da bị phai màu
- Không phơi đồ da dưới ánh nắng trực tiếp.
- Bảo quản trong túi vải cotton.
Để tránh làm chiếc túi da hay áo da yêu thích bị phai, bạc màu sớm, bạn không nên phơi chúng dưới ánh nắng trực tiếp. Cẩn thận hơn, hãy bảo quản chúng trong những chiếc túi vải màu tối để giảm thiểu tối đa nguy cơ phai màu.
3. Đồ da bị nứt
- Dùng sáp dưỡng chuyên dụng, dầu chồn hay saddle soap.
Khi đồ da bị cứng và nứt, bạn có thể làm mềm chúng với sáp dưỡng da chuyên dụng, saddle soap (xà phòng cho da thuộc) hay dầu chồn vizon. Tuy nhiên, những chất này có thể làm thay đổi màu sắc của chất liệu da sáng màu nên bạn cần kiểm tra trên một vị trí khó lộ rõ nhất trước khi dùng cho toàn bộ.
Với chất liệu da dày và cứng, sáp dưỡng giúp làm mềm hiệu quả nhưng nó không thực sự cần thiết với các chất liệu da mỏng và mềm sẵn. Cách tốt nhất để đồ da không bị cứng lại là sử dụng chúng thường xuyên. Qua thời gian, chất liệu da sẽ mềm mại và ôm vừa vặn lấy đường nét cơ thể hơn.
4. Đồ da bị hỏng do dính nước
- Sử dụng xịt chống thấm nước
Đồ da khi tiếp xúc lâu với nước và độ ẩm cao có thể bị mốc, vì thế bạn nên sử dụng xịt bảo vệ chống thấm cho món đồ đó. Hãy nhớ thử xịt dung dịch lên một vùng nhỏ trên món đồ sau đó mới sử dụng cho toàn bộ bề mặt để chắc chắn nước xịt không làm hỏng hay khiến da đổi màu.
5. Làm sạch đồ da
- Đánh bóng hai lần/ năm.
- Làm sạch vùng bị bẩn với khăn ẩm.
Cách làm sạch đồ da là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất với nhiều người. Theo các chuyên gia, bạn nên làm sạch đồ da khoảng 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn làm sạch một vùng da nhỏ bị dính bẩn, hãy thử sử dụng một miếng vải nhỏ thấm ít nước để lau chùi. Trước đó bạn nên thử làm sạch một vùng nhỏ trên da trước để chắc chắn không khiến chúng bị hỏng.
6. Đồ da dính vết màu
- Mang đến tiệm làm sạch chuyên nghiệp.
Nếu có ngày bạn lỡ tay làm dây mực, cà phê hay nước hoa quả lên chiếc áo da yêu thích, cách tốt nhất bạn có thể làm là mang nó ngay đến tiệm giặt khô thay vì tự xử lý. Tuy nhiên nếu không thể đến tiệm hoặc với vết bẩn nhỏ, bạn có thể thử dùng bút tẩy mực chuyên dụng để làm sạch vết mực hay vết son đáng ghét.
7. Bảo quản đồ da
- Cất ở nơi khô giáo, thoáng mát.
- Để đồ trong túi vải.
- Chọn móc treo đồ có lót xốp và kèm theo cặp gập.
- Đặt gỗ thông, gỗ sồi trong tủ quần áo.
Cách kéo dài tuổi thọ của đồ da hiệu quả nhất là bảo quản nó đúng cách. Bạn nên để đồ da ở nơi khô ráo, thoáng mát, và bọc trong một chiếc túi vải để giảm thiểu ảnh hưởng từ độ ẩm môi trường. Nếu phải treo đồ, hãy chọn móc quần áo có đệm xốp bao quanh để tránh đồ da bị hằn nếp.
Đối với giày da, bạn nên để chúng trong hộp khi không sử dụng. Các chuyên gia cũng khuyên rằng cách tốt nhất để bảo quản đồ da là đặt một tấm gỗ thông hay gỗ sồi trong tủ, cách này sẽ giữ cho quần áo luôn thơm tho và loại bỏ độ ẩm có thể khiến đồ da bị hư hỏng.
Nguồn: Whowhatwear
Theo Thuỳ Anh / Trí Thức Trẻ